Người đưa nước về những cánh đồng khô hạn

17-07-2015
Bởi: admin Có: 0 bình luận 747 lượt xem

          Ông Nguyễn Văn Bi, Giám đốc công ty TNHH MTV thủy lợi Lập Thạch là người đã có hơn 30 năm gắn bó với công việc đưa nước đến những cánh đồng hai huyện Sông Lô và Lập Thạch.

          Năm 1971, khi còn đang ngồi trên ghế nhà trường, Nguyễn Văn Bi theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, gác bút nghiên lên đường vào Nam chiến đấu. Đến năm 1975, khi đất nước hoàn toàn giải phóng, người lính trẻ ấy trở về địa phương và lại tiếp tục ước mơ cắp sách đến trường của mình. Ông đã học xong chương trình phổ thông và tiếp tục vào học tại trường Trung cấp nghiệp vụ Thủy lợi, sau đó lại học tiếp trường Đại học Kinh tế Quốc dân. Khi ra trường, ông nhận nhiệm công tác ở các xí nghiệp Thủy lợi Lập Thạch; xí nghiệp quản lý, khai thác công trình Lập Thạch; xí nghiệp Móng Cầu, thuộc công ty khai thác công trình Thủy lợi Liễn Sơn. Dù đảm nhận công việc nào, ông cũng luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Năm 2009, ông được điều động làm Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc công ty TNHH MTV Thủy lợi Lập Thạch.

          Những ngày đầu khi mới đảm nhận cương vị Giám đốc, ông Bi đã gặp không ít khó khăn bởi cơ sở vật chất của công ty chưa đồng bộ, địa bàn quản lý lại là hai huyện rộng, địa hình đồi núi phức tạp. “Trong đó, sức cản lớn nhất là tâm trạng, tư tưởng của cán bộ, người lao động trong công ty. Mọi người đã sống, làm việc trong cơ chế cũ quá lâu. Từ doanh nghiệp Nhà nước chuyển sang công ty cổ phần, nên tôi rất lo. Cơ chế bao cấp, dựa vào Nhà nước đã sâu rễ bền gốc trong ý thức của mọi người, bây giờ phải lo, phải tự chủ để phát triển. Những cái có ở trong tay để làm thì quá ít  mà phải lo chạy vạy, đắp đổi lo từng việc một. Rồi còn ý thức của người dân, của cộng đồng trong việc bảo quản, giữ gìn các công trình thủy lợi cũng là những việc phải giải quyết thấu đáo nếu muốn ổn định và phát triển. ”-  ông Bi tâm sự.

          Với bản lĩnh của người lính Cụ Hồ, không quản khó khăn, vất vả, vị Giám đốc lại tất tả ngược xuôi, khảo sát đánh giá lại hệ thống thủy lợi từ các xã xa ở cuối huyện Sông Lô, Lập Thạch để xây dựng các phương án củng cố, nâng cấp các công trình. Với sự bền bỉ, ông đã cùng với tập thể công ty từng bước vực dậy, xốc lại đội ngũ, đoàn kết đồng lòng cùng nhìn về một hướng với tâm thế mới: Tự chủ, tự quản, tự quyết vì sự nghiệp chung. Trên dưới đồng lòng thì khó đến mấy cũng thành công. Tâm niệm rõ điều đó nên Giám đốc Bi đã quy tụ được mọi người xung quanh mình, phát huy trí tuệ tập thể, đồng thời phân cấp, phân công nhiệm vụ rõ ràng, minh bạch, tạo động lực cho mọi người lao động góp sức vào sự phát triển công ty. Thành công lớn nhất đối với ông trên cương vị Giám đốc đó là đã củng cố, nâng cấp, xây dựng lại hầu hết hệ thống thuỷ lợi đã hư hỏng, xuống cấp, không còn đảm bảo an toàn để phòng chống thiên tai bão lũ và cung cấp nước tưới cho nhu cầu sản xuất nông nghiệp ở các xã. Đặc biệt, những hồ chứa nước trọng điểm như hồ Vân Trục, Suối Sải, Bò Lạc đã được nâng cấp, tạo  sự yên tâm cho người dân khi nắng hạn kéo dài hay mưa lũ tràn về.

          Hiện nay, công ty TNHH MTV thủy lợi Lập Thạch đang quản lý 224 hồ đập lớn nhỏ, hệ thống kênh mương từ cấp I đến cấp III và kênh nội đồng; gần 2.000km kênh mương 47 trạm bơm cố định, trên 100 trạm bơm dã chiến với tổng diện tích tưới hơn 7.600 ha lúa, ao cá và rau màu các loại; các hồ chứa nước: Vân Trục, Bò Lạc, Suối Sải phục vụ tưới tiêu cho hơn 2.000 ha lúa, ngô, rau màu các loại.

          Với hơn 30 năm làm công việc đưa nước đến những cánh đồng ngô lúa khi xanh mướt, khi vàng rộm, trĩu bông, gần 7 năm được giao nhiệm vụ lãnh đạo đơn vị quản lý khai thác các công trình thủy lợi: “Điều tôi mừng nhất là hệ thống các công trình thủy lợi đến nay đã quan tâm đầu tư sữa nâng cấp, đảm bảo nhiệm vụ đa mục tiêu, tạo chủ động trong việc phục vụ sản xuất để nâng cao đời sống của bà con, góp phần xoá đói giảm nghèo cho đồng bào các dân tộc thiểu số ở 2 huyện Lập Thạch, Sông Lô. Trong công tác chuyên môn kỹ thuật, đã làm thay đổi toàn bộ tư duy của cán bộ công nhân làm công tác quản lý thủy nông, đó là tính kỷ luật và tôn trọng kỹ thuật trong qui trình vận hành hệ thống các công trình thủy lợi.- ông Bi tâm sự.

          Vui hơn cả là công ty đã tạo được việc làm ổn định cho hơn 300 công nhân với mức lương bình quân 5 triệu đồng/ người/tháng. Đời sống vật chất, tinh thần của cán bộ, đảng viên và người lao động được cải thiện; khối đoàn kết nọi bộ được giữ vững.

          Riêng đối với bản thân ông, dù đến nay đã không còn trẻ, ông vẫn ngày đêm say mê lao động, khao khát được cống hiến để đưa nước kịp thời đến những cánh đồng ngô, lúa. Bầu nhiệt huyết trong ông vẫn luôn tràn đầy, ấm nóng vì sự nghiệp nông nghiệp của quê hương.

BÀI VIẾT CÙNG CHUYÊN MỤC